Việc vệ sinh vùng kín đúng cách, chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa như viêm nhiễm, nấm, ngứa. Trong bài viết dưới đây, MELA sẽ chia sẻ đến bạn những cách chăm sóc vùng kín theo hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP HCM. Hãy cùng theo dõi nhé!
Duy trì cân bằng pH
Âm đạo là một môi trường acid chứa nhiều vi khuẩn có lợi. Điều này sẽ giúp chống viêm nhiễm và được bôi trơn một cách tự nhiên. Bình thường, độ pH của âm đạo sẽ rơi vào khoảng từ 3,8 đến 4,5. Tuy nhiên việc thụt rửa có thể làm ảnh hưởng đến chỉ số này. Việc thụt rửa sẽ làm giảm tính acid của âm đạo. Đồng thời phá vỡ hệ vi sinh vật có lợi và khiến âm đạo trở nên dễ bị nhiễm trùng bởi các vi khuẩn có hại.
Vì vậy, các bạn hãy tránh sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch làm sạch quá mạnh ở âm hộ hoặc âm đạo. Bởi các chất tẩy rửa này có thể gây ảnh hưởng tới sự cân bằng pH.
Chọn quần lót phù hợp, vệ sinh đúng cách
Âm đạo là khu vực luôn cần được giữ sạch sẽ, khô thoáng. Bên cạnh đó, việc chọn đồ lót cũng vô cùng quan trọng và ảnh hưởng rất lớn. Một số loại đồ lót bó sát hay một số chất liệu vải có thể gây nóng ẩm. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nấm dễ dàng phát triển. Vì vậy, hãy chọn những loại đồ lót từ các chất liệu như cotton và hạn chế mặc quần lọt khe.
Khi đi vệ sinh, nên lau âm đạo từ trước ra sau để tránh việc âm đạo bị lây nhiễm vi khuẩn, đồng thời giảm nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang. Tuyệt đối không lau vùng kín bằng các loại giấy có hương thơm. Vì điều này sẽ gây kích ứng và tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Lưu ý kỳ kinh nguyệt
Vào những ngày đèn đỏ, vùng kín sẽ thường ẩm ướt. Vì vậy hãy cố gắng giữ khô ráo và sạch sẽ nhất có thể. Máu kinh không hề bẩn, nó chỉ giống như bất cứ loại máu nào khác trong cơ thể. Nhưng khi gặp điều kiện ẩm ướt và tiếp xúc với không khí sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Điều này sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu vùng này không được vệ sinh thường xuyên.
Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, hãy vệ sinh vùng kín thường xuyên bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ từ 2 – 3 lần mỗi ngày. Và hãy đặc biệt lưu ý, thời gian vàng để thay băng vệ sinh là mỗi 4 giờ. Nếu băng vệ sinh đã thấm quá nhiều hoặc bạn cảm thấy khó chịu do ẩm ướt thì nên thay ngay khi cần, tránh để quá lâu.
Thực phẩm nên dùng
Cách chăm sóc “cô bé” tốt nhất và bảo vệ sức khỏe sinh sản là:
- Một chế độ dinh dưỡng cân bằng
- Đầy đủ dưỡng chất
- Uống nhiều nước
Vì vậy hãy tạo cho mình một chế độ dinh dưỡng giàu dưỡng chất và đừng quên uống nhiều nước mỗi ngày. Hạn chế ăn các thức ăn quá cay, nhiều dầu mỡ, hành tỏi,…vì có thể làm mất cân bằng độ pH và đây cũng là lý do gây ra mùi ở vùng kín.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một số loại thực phẩm để điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe âm đạo như:
- Sữa chua (có tác dụng phòng ngừa hỗ trợ điều trị nấm, nên ăn mỗi ngày)
- Việt quất (nước ép việt quất sẽ rất có lợi cho bàng quang và giúp “axit hóa” nước tiểu để giúp độ pH luôn được duy trì một cách ổn định)
- Các loại quả giàu vitamin C (tạo ra môi trường axit, giúp chống nhiễm khuẩn nấm men).
Tránh viêm nhiễm
Các loại nhiễm trùng âm đạo thường gặp là:
- Nhiễm vi nấm
- Vi khuẩn âm đạo
- Trùng roi trichomonas
Bên cạnh đó còn có các bệnh lây qua đường tình dục như:
- HIV,
- Giang mai
- Lậu
- Chlamydia
- Sùi mào gà
- Herpes sinh dục
- …
Nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường, không nên tự điều trị tại nhà mà cần đến bệnh viện chuyên khoa để được khám và chữa trị càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Khám phụ khoa định kỳ
Việc khám phụ khoa sẽ giúp bạn phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời các bệnh phụ nữ thường gặp. Chẳng hạn như:
- Viêm nhiễm âm đạo
- Nhiễm trùng tiết niệu
- U nang buồng trứng
- U xơ tử cung
- Ung thư cổ tử cung
Vì vậy hãy khám phụ khoa định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm tại các bệnh viện chuyên khoa hoặc các phòng khám phụ khoa uy tín.
Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo với những phụ nữ có quan hệ tình dục nên sàng lọc phụ khoa lần đầu tiên lúc 21 tuổi và thực hiện xét nghiệm PAP để kiểm tra nguy cơ mắc ung thư.
Tập thể dục cho vùng kín
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, kegel sẽ giúp tăng cường sức khỏe vùng kín và bảo vệ sức khỏe tổng thể, bên cạnh đó còn giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Hy vọng với những hướng dẫn các cách chăm sóc vùng kín của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP HCM mà MELA tổng hợp trong bài viết trên sẽ hữu ích với bạn. Và đừng quên theo dõi MELA mỗi ngày để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích nào bạn nhé!